Cơ cấu tổ chức và nhân sự của MBV

 

Là một công ty liên doanh nên MBV có một cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Hội đồng quản trị (HĐQT) của MBV có quyền lực cao nhất, các thành viên của HĐQT do hai bên chỉ định. Bên Việt Nam có 4 thành viên, bên nước ngoài có 7 thành viên. Chủ tịch hội đồng quản trị do bên nước ngoài chỉ định, phó chủ tịch hội đồng do bên Việt Nam chỉ định.

_ HĐQT ra các quyết định tại các hội nghị thường kì của mình. Hội nghị thường kì được tổ chức tuỳ mục đích cần thiết nhưng một năm HĐQT họp ít nhất hai lần.

_ HĐQT quyết định theo nguyên tắc nhất trí về các vấn đề sau:

Một là, kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty, ngân sách, vay nợ.

Hai là, những sửa đổi bổ sung điều lệ công ty, những thay đổi quan trọng về tổ chức hoạt động của công ty, những thay đổi mục đích phương hướng hoạt động đã đăng ký, tăng vốn pháp định, chuyển nhượng vốn, kéo dài thời gian hoạt động, tạm ngừng thời gian hoạt động của công ty.

Ba là, tỷ lệ lợi nhuận trích lập quỹ và chế độ sử dụng quỹ đó.

Bốn là, bổ nhiệm thay đổi hoặc bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban thanh lý, Trưởng ban thanh tra, bên có người bị bãi miễn đề cử người khác để HĐQT xem xét chấp thuận.

Năm là, uỷ quyền cho Tổng Giám đốc hoặc Phó Tổng Giám đốc giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình trong trường hợp đặc biệt. Những quyết định khác của HĐQT về các vấn đề khác chỉ có giá trị khi được 2/3 số thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.

Bộ máy điều hành của công ty bao gồm:

Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc: chịu trách nhiệm trước HĐQT về những việc như: đảm bảo thực hiện kế hoạch được duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch đó; đại diện cho công ty quan hệ với các tổ chức, cơ quan Nhà nước, các toà án của các nước khi có tranh chấp về kinh tế xảy ra; giải quyết những vấn đề do HĐQT uỷ quyền; tuyển dụng lao động thông qua những hợp đồng lao động…

Các phòng chức năng chịu trách nhiệm quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ chuyên môn và tham mưu cho Giám đốc về các vấn đề mà phòng mình phụ trách. Đồng thời chịu sự hướng dẫn của các Giám đốc chức năng.

_ Phòng tổ chức hành chính: tham mưu giúp Giám đốc công ty về công tác tổ chức lao động sản xuất, quản lý đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ công nhân viên. Thực hiện mọi chính sách đối với người lao động, hướng dẫn các cán bộ, công nhân thực hiện mọi quy định của công ty. Quản lý hồ sơ, tài liệu và con dấu của công ty.

_ Phòng kế toán tài chính: tham mưu giúp Giám đốc về công tác hạch toán tài chính, lỗ, lãi, các khoản chi phí, các chế độ tiền thưởng, các quỹ công ty, vốn, tài sản cố định.

_ Phòng Marketing: có chức năng tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của công ty, tổ chức các kênh phân phối, nghiên cứu nhu cầu trong và ngoài nước. Tổ chức các dịch vụ phục vụ khách hàng nhằm thu hút khách hàng và phát triển sản xuất kinh doanh.

_ Phòng kỹ thuật: kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng.

_ Phòng vật tư được chia làm hai bộ phận: Bộ phận thu mua vật tư: mua những vật tư phục vụ cho sản xuất kinh doanh từ nước ngoài hoặc từ nội địa. Kho: Tiếp nhận và kiểm tra cấp phát nguyên vật liệu.

_ Phòng sản xuất: có chức năng quản lý hoạt động sản xuất, tổ chức quản lý các dây truyền sản xuất và gia công, hoàn thiện sơn, cơ điện.