Cho đến nay, MBV vẫn chưa chủ động trong việc nhập khẩu trực tiếp các linh kiện mà nhập qua đối tác.MBV chỉ biết được giá vốn của mỗi xe thông qua đối tác cung cấp. Còn giá đối tác nhập là bao nhiêu thì MBV không kiểm soát được. Việc nhập khẩu qua nhiều khâu như vậy sẽ không tránh khỏi chi phí tăng lên. Bên cạnh đó, chi phí cho vận chuyển xe tới các địa điểm bán tại các địa phương cũng đội giá xe lên cao. Chẳng hạn: vận chuyển một xe từ phía Nam ra Bắc hết khoảng 5 triệu đồng. Để khắc phục, MBV cần bàn bạc với đối tác giảm các khâu trung gian để nhập đúng, đủ và nhanh từ các nhà cung cấp. Về phía Việt Nam cũng cần có cán bộ làm công tác nghiên cứu thị trường nước ngoài để kiểm soát tình hình nhập khẩu, cũng như chính sách thay đổi của các nhà cung cấp. Đồng thời, kiểm soát
chặt chẽ các khoản chi phí quản lý, tiết kiệm các chi phí về điện thoại, điện nước tránh sử dụng lãng phí không hợp lý. Lựa chọn các phương tiện vận chuyển phù hợp nhằm giảm giá thành tối đa.
Nhìn chung, giá mỗi sản phẩm của MBV còn cứng, khoản chiết khấu giành cho khách hàng còn chưa khuyến khích được họ. MBV cần có các biện pháp để mở rộng khung giá của mỗi sản phẩm, có các mức giá cho mỗi lô hàng khác nhau, chẳng hạn mua 5 chiếc phải khác mua 1 chiếc, mua 10 chiếc phải khác mua 5 chiếc. Các mức giá chênh lệch này phải đảm bảo khuyến khích được khách hàng mua với số lượng lớn. Các khoản tiền thưởng cho khách hàng mua với số lượng lớn được xác định dựa trên cơ sở:
Khoản tiền thưởng dành cho khách hàng ≤ Các khoản chi phí tiết kiệm được
do bán nhiều xe một lúc
Giá bán cho các đối tượng là các khách hàng đã mua xe của công ty chưa được thực hiện theo chính sách ưu đãi riêng biệt mà vẫn áp dụng theo mức giá công bố. Nên chăng công ty áp dụng hình thức giảm giá đặc biệt công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng cho các khách hàng đã từng mua xe và hiện đang sử dụng xe của công ty bán ra nhằm lôi kéo và nắm giữ các khách hàng cũ của công ty. Như vậy công ty sẽ gây được tâm lý tốt đối với các khách hàng đã mua xe và sẽ mua xe của công ty, mức giá đặc biệt đó sẽ kích thích nảy sinh nhu cầu của các khách hàng cũ.
Đối với thị trường mới có nhiều triển vọng công ty bán trực tiếp có thể cho hưởng chiết khấu giảm với mức từ 7%-10% tổng giá thành (tuỳ vào giá trị loại xe).
Mặt hàng ô tô là mặt hàng có giá trị cao, đối với từng người Việt Nam thì đó là một khoản tiền lớn, nếu chỉ chờ vào thu nhập chính đáng thì khó có thể mua được xe. Mà nó đòi hỏi cả một quá trình tích lũy lâu dài, không chỉ trong dân cư mà rất nhiều doanh nghiệp, cả tư nhân và nhà nước có thu nhập cao nhưng một lúc thì chưa có tiền. Do vậy công ty cần có chính sách bán chịu với chính sách giá hợp lý để thu hút đối tượng này.
Hiện nay công ty cũng bán trả chậm nhưng thủ tục ràng buộc khá khắt khe. Trả trước 30%, phần còn lại trả trong 12 tháng, lãi suất 1% mỗi tháng. Người mua phải có tài khoản tại một ngân hàng mà MBV yêu cầu, rang buộc này rất đảm bảo cho công ty trong việc thu hồi tiền bán hàng. Nhưng nó lại hạn chế các khách hàng bởi lẽ không phải khách hàng nào cũng dễ dàng chuyển tài khoản của mình ở các ngân hàng quen thuộc sang ngân hàng mà MBV yêu cầu. Tiến tới trong chiến lược cạnh tranh lâu dài, MBV cần hoàn thiện chính sách bán chịu của mình nhằm thu hút khách hàng nhiều hơn. Dưới đây tôi xin đưa ra một vài đề xuất góp ý về chính sách bán chịu của công ty:
Thực hiện chính sách bán chịu là nhằm các mục tiêu sau:
_ Tăng thêm lượng bán để tìm kiếm lợi nhuận.
_ Mở rộng thị phần và uy thế cạnh tranh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách bán chịu của công ty là:
_ Tính chất, đặc tính của sản phẩm ô tô: là sản phẩm có giá trị lớn, vòng quay chậm.
_ Việc sử dụng sản phẩm của khách hàng: làm phương tiện đi lại, công tác hay sử dụng nhằm mục đích kinh doanh.
_ Tình hình tài chính của khách hàng và của công ty. Do đó công ty có thể áp dụng một vài chính sách bán chịu sau:
_ Sử dụng chiết khấu: trả tiền ngay với chiết khấu là 5%. Nếu công ty tăng tỷ lệ chiết khấu hiện nay hoặc tăng đối với mỗi loại đối tượng khách hàng khác nhau sẽ thu hút thêm các khách hàng mới. Doanh thu bán hàng sẽ tăng và các khoản khác cũng tăng, khi đó sẽ có việc giảm thời hạn thanh toán vì khách hàng muốn được hưởng chiết khấu.